SỨ MỆNH LÀ GÌ? - Phùng Thắm


SỨ MỆNH LÀ GÌ?

Bài viết “Sứ Mệnh” là một trong chuỗi bài viết về sứ mệnh, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi thuộc chuyên đề chiến lược.
Một điều quan trọng khi khởi nghiệp, những người sáng lập luôn mong muốn khát vọng của mình trở thành hiện thực, một khi đã thành hình thì trở nên bền vững và vươn xa.
Người viết xin chia sẻ đến bạn đọc chuỗi bài “ Sứ Mệnh – Tầm Nhìn – Các Giá Trị Cốt Lõi”, để phục vụ rộng rãi cho bạn đọc, đặc biệt dành cho Anh, Chị, Em có ý nguyện tự chủ trên đường y tế tư nhân nhưng chưa tiếp cận nền tảng quản trị chiến lược. Bài viết bắt đầu từ những kiến thức cơ bản và cố gắng đề cập một vài tình huống của y tế tư nhân Việt Nam.

Xin chúc cho những Phát Kiến của Anh, Chị, Em của hôm qua, hôm nay và cả ngày mai luôn được Thành Tựu!

Sau đây mời Anh, Chị, Em xem bài viết đầu tiên trong loạt bài này.

Ngày 14.07.2014
Bs Phùng Thị Hồng Thắm


SỨ MỆNH LÀ GÌ ?

Trong xã hội luôn tồn tại một quan điểm “kinh doanh vì lợi nhuận”, trong khi những người khởi nghiệp luôn có câu hỏi “những người chủ công ty có thực sự vì tiền bạc hay vì một điều gì khác?”. Ông Chung Ju Yung, Chủ tịch tập đoàn Huyndai, đã chia sẻ trong cuốn hồi ký: " Tôi hoàn toàn không liên quan đến việc công ty có bao nhiêu tiền. Tôi nghĩ rằng đồng tiền trong túi tôi và tiền để nuôi sống gia đình tôi mới chính là tiền của tôi, đó là những đồng tiền để giải quyết nhu cầu ăn mặc của bản thân và gia đình. Ngoài mục đích ấy ra, tiền còn lại không phải thuộc sở hữu của tôi. Khi doanh nghiệp còn nhỏ thì tài sản thuộc về cá nhân, nhưng khi doanh nghiệp lớn lên thì tài sản trở thành của chung của tất cả những người lao động,  xã hội. Với tôi, chỉ cái cửa hàng gạo ngày xưa là tài sản mà tôi có".

Nhu cầu của con người luôn tồn tại và sự vận động của xã hội luôn tạo ra thêm những nhu cầu. Đáp ứng các nhu cầu của con người là tất yếu, sự ra đời của doanh nghiệp nhằm cung cấp những sản phẩm và dịch vụ để phục vụ con người, đó là sứ mệnh chung của mọi doanh nghiệp. Tài chính là cái cần phải có và như một phương tiện chủ yếu để một doanh nghiệp thực hiện sứ mệnh.

Sứ mệnh của một tổ chức giải thích vì sao tổ chức tồn tại, thể hiện khát vọng phục vụ con người của tổ chức đó, và mỗi doanh nghiệp tồn tại với một nhiệm vụ nhằm đáp ứng một hoặc vài nhu cầu cụ thể nào đó của xã hội. Mỗi doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ theo một cách thức riêng do chính những người sáng lập khám phá, dần dần được củng cố qua thời gian. Sứ mệnh của Wal-Mart: “để cung cấp cho những người bình thường cơ hội mua sắm những thứ mà những người giàu có mua”, một sứ mệnh đã thuyết phục được cộng đồng, vừa động viên tổ chức vừa tạo ra một cảm xúc tích cực và cuốn hút số đông người dân trong xã hội đến với Wal-Mart.

Sứ mệnh được xác lập từ lúc công ty hình thành, một sứ mệnh tốt phải được xây dựng dựa trên định hướng khách hàng, luôn gắn liền với một tầm nhìn có tính lâu dài. Khi môi trường kinh doanh có sự thay đổi lớn và sâu sắc, những gì mà công ty đang theo đuổi có thể không còn phù hợp nữa, mặc dù vậy, những nhà sáng lập của những công ty, được ghi nhận là thành công, thường tiên đoán một cách xuất sắc viễn cảnh xảy ra trong một thời gian dài, vì thế hiếm khi công ty phải thay đổi sứ mệnh. Thông thường, điều hay thay đổi chính là cách thức thực hiện sứ mệnh khác nhau trong từng giai đoạn, phù hợp cho môi trường hoạt đông luôn biến chuyển.

Nếu việc xác định nhiệm vụ không rõ ràng, công ty thường xuyên thay đổi trong đầu tư, khách hàng mục tiêu – thị phần, nguồn lực, quy trình nội bộ, thì sự bất ổn này nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự tiêu hao nguồn lực mà hiệu quả rất kém, và công ty cũng không thành công khi xây dựng thương hiệu. Sự thay đổi có thể thành công nhưng cũng có thể thất bại.
Điển hình cho sự thành công trong trường hợp này là bệnh viện Quốc Ánh, sự chuyển hướng chiến lược từ định hướng ban đầu một bệnh viện chuyên khoa sản phụ trở thành bệnh viện đa khoa phục vụ mọi đối tượng cần chăm sóc khỏe trong cộng đồng.
Sự thay đổi sứ mệnh hay chuyển hướng chiến lược nên được xem xét rất thận trọng vì điều này sẽ dẫn đến sự thay đổi rất lớn, ảnh hưởng đến sự tồn tại của công ty. Khi pháp luật thay đổi, chẳng hạn luật khám chữa bệnh và các văn bản dưới luật đã trở nên bất lợi cho việc đăng ký hành nghề tại các cơ sở y tế tư nhân. Hơn nữa, chính sách bảo hiểm y tế ngày càng khắt khe và các thủ tục phức tạp đã làm các cơ sở y tế gặp khó khăn trong việc quyết toán, thanh toán, dòng tiền khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở luôn bị thiếu hụt. Như vậy, cơ sở y tế tư nhân theo chiến lược chăm sóc sức khỏe cộng đồng với phương thức chi trả thông qua quỹ bảo hiểm y tế thì sẽ tồn tại như thế nào, trong vòng ba năm nữa, ngành y tế tư nhân mới có đủ thời gian cần thiết để nhìn nhận sự kiên định hay chuyển hướng chiến lược – từ bỏ khám bảo hiểm y tế, hy vọng kết quả sẽ tuyệt vời cho bất kỳ sự lựa chọn nào.

Sứ mệnh như một ngôi sao dẫn đường cho toàn thể thành viên trong tổ chức, thống nhất hành động của từng thành viên trong tổ chức, cùng hướng đến mục đích sau cùng. Sứ mệnh khi đã hình thành thì tinh thần này sẽ vượt ra khỏi phạm vi của những thành viên sáng lập, sẽ lan tỏa và truyền đạt đến từng thành viên trong tổ chức, từ những người lãnh đạo cấp cao cho đến các nhân viên lao công. Một sứ mệnh đúng đắn là nguồn cảm hứng của các thành viên, là động lực thúc đẩy sự tận hiến cho tổ chức, những nhân viên của Microsoft, Apple, Google luôn tự hào về công ty, họ làm việc với tinh thần sáng tạo thăng hoa để cống hiến cho nhân loại những sản phẩm tuyệt vời, làm thay đổi thế giới.




Nếu không có sứ mệnh, các thành viên sẽ không hiểu vì sao tổ chức này ra đời và vì sao tổ chức đã và đang tồn tại. Khi không rõ sứ mệnh, các thành viên trong tổ chức khó có sự đồng hành cùng các thành viên khác, tổ chức sẽ không có được sức mạnh hội tụ để đạt được mục đích sau cùng. Vì vậy, người thực sự khởi nghiệp thì nên hiểu đó là sự dấn thân hoàn thành một nhiệm vụ cụ thể, người khởi xướng một tổ chức cần phải hiểu thật sâu sắc nhiệm vụ của tổ chức, được như vậy, tổ chức mới trường tồn cùng với thực thi nhiệm vụ đó.

Theo thời gian, có những sứ mệnh đã minh chứng  tuyệt vời của nó, ngay từ lúc sơ khai người sáng lập đã nhận biết và dẫn dắt tổ chức gánh vác một nhiệm vụ, đồng thời làm tất cả để động viên mọi người kể cả khách hàng để hoàn thành nhiệm vụ đó.  Ông Edward Mead Johnson, người sáng lập Mead Johnson Nutritionals, là một người tiêu biểu cho sự kết hợp giữa tập trung nội lực và động viên sự tham gia của cộng đồng để thực hiện sứ mệnh. Năm 1888, bé trai Ted, con của E. Mead Johnson, bé không lớn lên khi được nuôi bằng chế độ bình thường mà phải nuôi bằng hỗn hợp nấu bằng lúa mạch. Kinh nghiệm nuôi ăn này đã gợi cho E. Mead ý tưởng phát triển sản phẩm, Enfamil ®, mà ngày nay đã đứng đầu doanh thu toàn thế giới về công thức sữa trẻ em. Sứ mệnh của công ty là tạo ra các sản phẩm dinh dưỡng tin cậy cho nhũ nhi và trẻ em một khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Công ty đã làm việc cùng với gia đình của các trẻ mắc bệnh và với các bác sĩ nhi khoa để tạo ra một công thức sữa đặc biệt dùng cho các em bé bị rối loạn chuyển hoá và một số bệnh lý khác, thường những người này sẽ sử dụng các công thức sữa đặc biệt suốt đời, Mead Johnson tập trung nguồn lực để cải tiến các sản phẩm này và tìm kiếm các giải pháp mới để cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung của người bệnh.

Sau đây là sứ mệnh của một số bệnh viện tại Việt Nam

Sứ mệnh của FV: “Cung cấp dịch vụ chăm sóc bệnh nhân toàn diện với chất lượng quốc tế để không ngừng nuôi dưỡng niềm tin của bạn.”
Sứ mệnh của Vinmec: “Mang lại sự lựa chọn hoàn hảo về chăm sóc sức khỏe!”
Sứ mệnh của bệnh viện Quốc Ánh: “Chúng tôi luôn tìm cách phục vụ tốt cho sức khỏe cộng đồng và cung cấp các dịch vụ với chất lượng tốt nhất và sự hài lòng nhất. “
Và sứ mệnh của Phòng khám, Bệnh viện của các ACE là gì? Mong được các ACE chia sẻ!

14.07.2014
Bs Phùng Thị Hồng Thắm


Tài liệu tham khảo
1.   Fred R.David, Khái luận luận về quản trị chiến lược (2006), NXB Thống Kê
2.   DavidParmenter (2009): Key performance indicator
3.   Paul R. Niven(2006): Balance Scorcard, John Wiley & Sons, Inc
4.   RudolfGrunig and Richard Kuhn (2001): Process – based Strategic planning
5.  NguyễnHữu Lam, Đinh Thái Hoàng và Phạm Xuân Lan (2007): Quản trị chiến lược – Phát triểnvị thế cạnh tranh
6.   Hồi ký Chung Ju Yung
7.  Website của Công ty Mead Johnson Nutrition, bệnh viện FV, bệnh viện Vinmec, bệnh viện Quốc Ánh.