Trên đường Y Dược - LẦN ĐẦU TIÊN GIẢI QUYẾT THAN PHIỀN CỦA GIA ĐÌNH BỆNH NHÂN



LẦN ĐẦU TIÊN GIẢI QUYẾT THAN PHIỀN CỦA GIA ĐÌNH BỆNH NHÂN

Năm 1997, công việc trình dược đã cho tôi gặp lại một người Thầy tại một phòng khám thuộc hệ thống bưu điện Việt Nam. Tám tháng sau đó tôi đã về làm với Thầy. Đây là một bước ngoặc quan trọng để tôi được làm nghề y sau hơn một năm làm trình dược, nhưng cũng là một lựa chọn khó khăn vì tôi phải từ bỏ việc học công nghệ thông tin sau khi học được một năm đại học tại trường ĐH Mở Bán Công TP. HCM.


Năm 1998, lúc bấy giờ ở Sài Gòn có vài nơi lưu kết quả siêu âm trên phần mềm, thường là lập trình Access, tôi có cơ duyên được sử dụng phần mềm này. Sử dụng được vi tính là một trong những kỹ năng rất thú vị cho người bác sĩ. Một bác sĩ mới ra trường thì không thể khám chuyên sâu về tim tim mạch, tôi phụ trách chủ yếu phần hành chánh, nhập dữ liệu và quản lý hồ sơ bệnh án, thỉnh thoảng tôi được khám bệnh khi Thầy tôi bận.

Khi tôi đang tất bật với bệnh nhân thì từ phòng nhận bệnh nghe những tiếng cãi vả ồn ào, tôi bước ra thì gặp một thanh niên khoảng 24 tuổi, cậu ta giận dữ, mặt đỏ bừng bừng. Tôi mời người thanh niên vào bên trong, cậu ấy chẳng chịu ngồi, không chịu bày tỏ câu nào với tôi, một mực đòi gặp ngay Thầy tôi. Thầy tôi dừng ca siêu âm để tiếp người thanh niên.
Bà X 65 tuổi là mẹ của cậu ấy, Bà đã khám tại đây cách 1 tuần với chẩn đoán là hở van 2 lá 2/4, thiểu năng vành, là một bệnh nhân đang theo dõi và điều trị liên tục tại phòng khám trong 01 năm qua. Lần này, Bà X có triệu chứng chán ăn, trong toa thuốc ngoài những loại thuốc tim mạch như thường lệ, thầy cho thêm 1 loại thuốc có tên gốc bắt đầu là chữ G.

Sau khi dùng thuốc vào buổi tối, sáng hôm sau Bà X ngất xỉu phải chở vào cấp cứu tại bệnh viện 1… với chẩn đoán hạ đường huyết do dùng thuốc …, hở van 2 lá 2/4, thiểu năng vành. Bà X năm viện 5 ngày thì khỏe lại và được xuất viện. Bà X không có tiền căn đái tháo đường, nhưng buổi tối hôm trước khi nhập viện Bà đã uống thuốc trong đó có 1 viên thuốc trị đái tháo đường.

Người nhà đã biết được nguyên do làm cho bà X phải vào cấp cứu từ các bác sĩ bệnh viện 1… nên hôm nay đến phòng mạch quát tháo lớn tiếng. Thầy tôi, giải thích từng loại thuốc đã cho và liều lượng, giờ uống. Trước hết, Thầy đã xác nhận việc đã cho loại thuốc (mà thông thường để trị đái tháo đường) trong trường hợp này với liều lượng chỉ bằng ¼ liều lượng điều trị đái tháo đường và chỉ uống 1 lần vào buổi sáng. Thầy giải thích với liều lượng như thế để cải thiện triệu chứng chán ăn của bà X, vì không giải thích trước nên gây ra sự hiểu nhầm, và một phần là bà X uống thuốc không đúng liều lượng và giờ giấc đã ghi trong toa. Khi nghe Thầy tôi nói đến đây, người thanh niên nổi giận đùng đùng, cùng một số người nhà khác kéo vào, không khí rất căng thẳng và ồn ào, tôi cố gắng can ngăn và hỏi thăm sức khỏe của Bà X và tôi nói với họ là tôi đến thăm bà. Nhưng người nhà vẫn không dừng, cơn nóng giận của họ vẫn cao trào, lớn tiếng buộc Thầy tôi nhận lỗi, lúc đó hơn 11 giờ trưa, một số bệnh nhân đang chờ bên ngoài thì hối thúc phòng khám phải khám cho họ, họ cũng giúp xoa dịu những người đang tức giận. Người nhà bà X ra về và họ nói văng vẳng “chúng tôi sẽ cho đăng báo”. Tôi cùng một bạn đồng nghiệp nghe thế trong đầu rối rắm vô cùng, tôi nói với Thầy tôi là tôi phải đến ngay nhà bà X, Thầy bảo tôi mang theo tiền để hoàn trả viện phí của bà X.

Tôi xem địa chỉ nhà đã được lưu trong hồ sơ, sau 30 phút, tôi tìm được nhà bà X, nằm sâu trong một con hẻm đường NTP. Bà X đang nằm trên giường, tôi cầm tay hỏi thăm, bà cho biết bà đã khỏe, bà tưởng mình đã đi xa nhưng Trời thương nên qua khỏi, tôi đồng cảm với những lời bà chia sẻ, tôi mới cảm nhận đầy đủ rằng rủi ro của nghề y quá lớn, chỉ cần một sơ xuất nhỏ vẫn có thể đưa đến hậu quả khó lường. Tôi lấy hết can đảm để nói với Bà là Phòng khám đã chưa giải thích đầy đủ nên mới xảy ra tình trạng này và tôi xin thay mặt Thầy tôi để xin lỗi bà và người thân của bà. Có lẽ động lực sâu xa nhất là tôi rất trân quý Thầy tôi, tôi cố gắng tối đa để cứu lấy danh dự của Thầy tôi, một bác sĩ nội trú, một trưởng khoa tim mạch trong vòng 10 năm của bệnh viện lớn nhất Miền Nam, đã từng là người Thầy tổ chức và giảng dạy cho các lớp chuyên khoa sơ bộ tim mạch đầu tiên của bệnh viện. Tôi động viên bà và tôi nói phòng khám sẽ bù đắp lại phần viện phí cho gia đình và tôi cầu chúc bà mau khỏe.

Tôi quay sang con trai của bà, người thanh niên đã nguôi cơn giận, bây giờ nhìn cậu ấy khôi ngô và thư sinh. Cậu ấy đã tốt nghiệp khoa báo chí đại học khoa học xã hội và nhân văn đã hơn 1 năm, được nhà trường giữ lại để làm giảng viên, cậu ấy quen với rất nhiều phóng viên, nên việc đưa vấn đề lên báo là cậu ấy bức xúc thật sự, tôi cũng tâm sự với cậu ấy tôi là bác sĩ mới ra trường, sự việc sơ xuất này không ai mong muốn xảy ra, tôi và phòng khám xem đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc, và mong muốn cậu ấy bớt giận, việc chăm sóc cho bà là quan trọng hơn và hy vọng cậu ấy bỏ qua ý định đăng báo. Tôi gửi lại số tiền viện phí mà tôi ước tính, bà X có bảo hiếm y tế nên số tiền bù đắp không lớn, nhưng tôi vẫn để lại số tiền hơn phần viện phí để gia đình tiếp tục chăm sóc y tế cho bà X trong vài ngày tới.



Tôi trở về phòng khám lúc 13h00 tôi chỉ nói vỏn vẹn một câu với Thầy “Thầy an tâm, em tin mọi việc sẽ ổn thỏa và bình yên”. Tôi không kể lại phần tôi đã xin lỗi bà X và gia đình, tôi nghĩ đó là việc đương nhiên tôi phải làm và ngầm hiểu như thế để lòng kiêu hãnh trong Thầy không bị tổn thương. 

Và sau câu nói đó, tôi không bao giờ nhắc lại câu chuyện này với ai, và quan trọng niềm tin của tôi đã đúng, tất cả đều ổn thỏa .


12.07.2015
Bs Phùng Thị Hồng Thắm
Quản lý Dự án Vietnam Carenet
Admin HMG

Nguồn: Vietnam Carenet