Trên đường y dược - CHUYỆN KỂ CỦA VÔ THƯỜNG (10.07.2015) - ảnh Vô thường

CHUYỆN KỂ CỦA VÔ THƯỜNG
(10.07.2015)

0 giờ đêm
- Cấp cứu, cấp cứu.
- Anh đưa bệnh nhân lên giường đi.
- Chích thuốc liền đi, chứ đau như vầy ai chịu nổi hả?
Người nhà bệnh nhân trợn mắt nhìn mình đe dọa. Mình cố giữ bình tĩnh và nói :
- Thì anh cứ đưa bệnh nhân lên giường đi, chưa khám bệnh, chưa biết đau do bệnh lý gì thì làm sao mà tôi cho chích thuốc được.
Trước mắt mình một người đàn ông 54 tuổi, béo phì vùng bụng, tứ chi teo, đang lăn lộn trong cơn đau vùng hạ sườn phải. Kết quả siêu âm : Viêm túi mật cấp do sỏi. Theo dõi viêm phúc mạc.
- Bệnh này cần phải mổ khẩn, trước đây chú có bệnh gì không, tiểu đường, rối loạn đông máu hay dùng thuốc chống đông chống dính gì không?
- Ba tôi không có bệnh gì hết, chỉ có đau khớp hay dùng thuốc giảm đau.
- Vậy chú có dùng Dexa, hay corticoid, hay thuốc tễ gì không?
- Không biết, mổ thì mổ đại đi, hỏi hoài.
- Anh nghĩ một ca mổ bụng đơn giản lắm sao?
1 giờ 30 phút, kết quả xét nghiệm báo lên phòng mổ, test nhanh HIV dương tính.
- Vậy mấy bác sĩ ngoại khoa có mổ cho bệnh nhân này không bác? Một nữ y tá thì thầm vào tai mình.
- Tất nhiên mổ rồi. Chẳng phải tất cả chúng ta đã được dạy, luôn xem bệnh nhân đến khám đều có nguy cơ lây nhiễm hay sao? Và chẳng phải chúng ta đã được dạy cách bảo vệ chính mình?
- Nhưng nói thật, em vẫn sợ sợ ...
- Anh nghĩ, nếu chúng ta sợ, chúng ta không đứng đây đâu. Vì khi khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, là khi biết mình có nguy cơ mắc các bệnh lây nhiễm, tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, tia X ..., nhưng mình vẫn chọn đứng đây, với những đêm trực căng thẳng, với những mệt mỏi vì áp lực chuyên môn, và với cả hành động quá khích đến từ bệnh nhân hay người nhà của họ.
Ba giờ 30 phút sáng, mình nghĩ không có máy quay nào có thể diễn tả được hai giờ căng thẳng của các bạn đồng nghiệp nơi phòng mổ. Những giọt mồ hôi, những trái tim thổn thức ... Và rất ít người biết được rằng : tiền thù lao một ca mổ lớn đầy nguy cơ và khó khăn ấy chỉ được vài trăm ngàn đồng.
- Sao anh ta nói ba anh ta không bị bệnh gì trước đó? Có phải anh ta sợ chúng ta kì thị, không chịu cứu ba anh ta không?
- Có lẽ đúng. Nhưng bác nghĩ : cuộc sống chẳng ai kì thị ta cả, ngoài ta tự kì thị chính mình.
Reng ... Reng
...
- Báo bác sĩ D, ca mổ bệnh nhân AIDS đã thành công tốt đẹp.
Mình nghe xong buông tiếng thở phào nhẹ nhõm. Bầu trời buổi hừng đông vẫn còn thật sâu và yên tĩnh. Có một vì sao vừa lóe sáng. Có lẽ đó là sinh mạng của một con người vừa được cứu sống.
Giờ phút này sao thật thầm lặng. Tấm lòng của những người bác sĩ chân chính đôi khi như một dòng sông, bạn nhỉ, càng sâu càng chảy êm thầm lặng.
---
Một giờ sáng
- Cấp cứu, cấp cứu ...
- Anh đưa chị lên giường nằm đi. Bị sao vào cấp cứu?
- Đau quá bác sĩ ơi. Đau quá.
Bệnh nhân nữ, 44 tuổi, hai tay ôm ngực trái lăn lộn trên giường. Khi mình dở được áo chị ta ra thì phải bước lùi lại vì mùi hôi thối nồng nặc xông vào mũi. Cả vú trái bị hoại tử.
- Ung thư giai đoạn cuối rồi, không có tiền chữa bác sĩ ơi. Tôi thấy vợ tôi đau đớn quá nên mới đưa vào đây?
- Sao không mua bảo hiểm. Sao không nhờ ai đó giúp đỡ? Chị y tá vừa tiêm Morphin giảm đau, vừa quay qua hỏi người chồng.
- Khi có tiền, có địa vị thì bạn bạn bè bè, còn khi nghèo đói, bệnh tật, tìm bạn bè không có, cô y tá ơi. Mấy lần đưa vào bệnh viện ung bướu nhưng vợ tôi không chịu điều trị, bả nói để dành tiền cho con đi học.
Chị y tá cất tiếng thở dài. Cuộc sống ngoài kia, có người ăn không hết, cũng có người lần mãi không ra.
Mình vỗ vai chị và nói : Thở dài làm chi, đêm nào có ngắn lại.
Khi cô hộ lý đẩy bệnh nhân vào khoa ung thư để theo dõi tiếp, mình nghe văng vẳng câu nói của bệnh nhân : Anh đừng nói gì cho con nhe anh, ngày mai nó thi tốt nghiệp.
Ôi ...
Tấm lòng của mẹ!
Khi gần đến hơi thở cuối của cuộc đời, tình thương dành cho con vẫn vẹn nguyên vẫn đong đầy như biển.



FB Vô Thường
10.07.2015